Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Cô học trò biết chơi đàn trước khi biết chữ

Giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi âm nhạc và danh hiệu học sinh giỏi nhiều năm, Hoàng Nhi coi đó là món quà tặng người anh trai kém may mắn.
Quách Hoàng Nhi, học sinh lớp 5, trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) biết chơi đàn từ năm lên 4 tuổi. Cả nhà không ai theo nghệ thuật nhưng mẹ vẫn cho Nhi đi học piano. Đến nay, số giải thưởng âm nhạc trong nước lẫn quốc tế mà cô bé đạt được còn nhiều hơn cả số tuổi 11 của mình.
nhi-1130-1427851863.jpg
Quách Hoàng Nhi là người nhỏ tuổi nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu. Ảnh: Hoàng Phương.
Nhiều năm nay, niềm đam mê âm nhạc đã tập cho Hoàng Nhi thói quen làm bạn với cây đàn. Mỗi ngày, em thường dành 3 tiếng để ngồi bên piano. Dịp nghỉ hè sẽ dành đến 9 tiếng mỗi ngày để luyện đàn. Bạn bè vẫn gọi Hoàng Nhi là "cô bạn không bao giờ biết ngủ nướng và không có ngày cuối tuần". "Lúc đi ngủ, có khi tay em vẫn gõ nhịp đều đều, tưởng tượng đang ấn phím đàn", Hoàng Nhi chia sẻ.
Đam mê đàn và thường xuyên tham gia các cuộc thi âm nhạc trên thế giới, Hoàng Nhi vẫn giữ được thói quen chăm chỉ rèn luyện cho các môn học trên lớp. Toán học là môn mà em yêu thích nhất. Nhi bảo Toán sẽ bổ trợ cho việc học đàn cũng như xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Ở trên lớp, Nhi tranh thủ trong giờ học và giờ ra chơi để giải quyết các bài tập.
Hoàng Nhi chia sẻ, ông ngoại thường xuyên mua sách Toán cho cháu gái học rồi bỏ thời gian kèm thêm. Ông từng là giảng viên quân sự nên giảng bài rất hấp dẫn. Môn Văn đã có bà ngoại bổ trợ. Học tiếng Pháp gặp chỗ khó khăn, em sẽ tìm bác ruột và các anh họ. Còn tiếng Anh thì nhờ bố mẹ. "Nhờ hội đồng gia sư này, em không phải tham gia các lớp học thêm như nhiều bạn khác, may mắn đạt danh hiệu học sinh giỏi từ lớp 1 đến lớp 4. Còn lớp 5 thì chưa tổng kết nên em cũng chưa biết được", cô bé hóm hỉnh nói.
Những lúc rảnh rỗi, Nhi thường dành thời gian chơi với cô em gái 6 tuổi, chơi lego và đọc truyện, tham gia các hoạt động ngoại khóa có chọn lọc. Dành nhiều thời gian cho việc học đàn và học tập nên Nhi không có cơ hội đi chơi như nhiều bạn khác. Nhưng không vì thế mà cô bé buồn bã, sợ đánh mất tuổi thơ bởi đam mê em dành trọn cho việc chơi đàn.
nhi2-4769-1427851863.jpg
Ba anh em Hoàng Nhi trong một lần đi chơi. Trong nhà, Nhi và anh trai rất thân thiết. Ảnh: GĐCC.
Chủ nhật hàng tuần, Nhi tranh thủ lên thăm anh trai đang điều trị ở Trung tâm phục hồi chức năng trên Ba Vì. Mỗi lần Quách Đàm Tuấn Minh về nhà chơi, cô em gái sẽ dành cả buổi để đọc truyện Anderxen hoặc chơi đàn cho anh nghe. "Em có một thói quen là thường gác chân lên pedal cây đàn vì chỗ này rất mát. Những lúc như thế, anh sẽ tròn mắt, gọi Nhi rồi lắc đầu, ý bảo không được làm thế. Anh không nói được từ nào, không gọi được tên bố mẹ, nhưng tên em thì gọi rất rõ", Hoàng Nhi kể.
Cô bé cũng sẽ "báo cáo" thành tích học tập cho anh trai nghe. Nếu em học tốt, Tuấn Minh sẽ cười. Em gái học hơi kém, cậu bé sẽ nhăn mặt. Mỗi hành động, nét mặt của anh, Nhi đều có thể hiểu được. Trước khi tham gia một cuộc thi piano, Hoàng Nhi đều báo cho anh trai biết. Khi đó, Tuấn Minh sẽ gọi nhiều lần "Nhi, A…a", nghĩa là Nhi phải được giải nhất. Nên mỗi lần đi thi, cô bé đều cố gắng để đạt được điều mà cả hai anh em mong muốn.
"Với anh trai, Nhi là người quan trọng hơn cả bố mẹ. Với Nhi, anh trai cũng là người thân thiết nhất. Hoàng Nhi cũng là đứa con mang lại hạnh phúc cho gia đình", chị Việt Nga, mẹ cháu chia sẻ.
Chị Nga biết, con gái đạt được thành công sớm thì áp lực cũng sẽ lớn. Vợ chồng chị thống nhất quan điểm không ép con học nhiều hay phải đạt được những gì bố mẹ mong muốn. Nhiều lúc thấy con chán nản, không muốn học, chị lại kể chuyện cho Nhi nghe về những tấm gương vượt khó, hoặc để con có thời gian thả lỏng tinh thần để tự vượt qua.
Tạm gác lại niềm vui khi trở thành gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Hoàng Nhi lại bận rộn chuẩn bị cho một cuộc thi piano sắp tổ chức tại Hà Nội. Mỗi giai đoạn, cô học trò lại có ước mơ khác nhau, có lúc muốn trở thành nghệ sĩ piano tài năng được đi khắp nơi biểu diễn, có khi lại mong làm cô giáo dạy piano bình thường. Nhưng ước mơ lớn và thường xuyên nhất của cô bé vẫn là trở thành sinh viên của Đại học Harvard (Mỹ).
Hoàng Phươn
g

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét